Máu thực hiện các chức năng rất quan trọng đối với cơ thể như hô hấp (chuyên chở khí oxy và CO2 giữa phế nang và các tế bào), dinh dưỡng (mang dưỡng chất từ ruột non đến tế bào, đặc biệt là tế bào não), đào thải (đưa chất cặn bã đến thận, ruột… để bài tiết), điều hòa hoạt động các cơ quan nhất là cơ quan thần kinh trung ương. Thần kinh trung ương có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động của cơ thể, nhiệt độ cơ thể, bảo vệ cơ thể (chứa các loại bạch cầu, kháng thể, tiêu diệt mầm bệnh). Máu lưu thông tốt là điều kiện cần thiết để các cơ quan được nuôi dưỡng và hoạt động tốt, nhất là não bộ.
Rối loạn tuần hoàn não là gì?
Não là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, mặc dù khối lượng chỉ bằng vài phần trăm trọng lượng cơ thể nhưng nhận được hơn 20% lượng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngưng tuần hoàn não khoảng 6 - 7 giây sẽ ngất, ngừng 5 phút các tế bào não sẽ chết. Rối loạn tuần hoàn não hay còn gọi là thiểu năng tuần hoàn não hay thiếu máu não nhất thời (thoáng qua) xảy ra đột ngột do máu tới nuôi tế bào não bị thiếu hụt làm rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của NCT, thậm chí gây biến chứng. Tuy vậy, bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và thường có xu hướng lặp đi, lặp lại nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm.
Thường ngày người bệnh hay bị đau mỏi vai gáy
Đối tượng mắc thiểu máu não là những người từ trung niên trở lên, đặc biệt là ở NCT, nhất là người lao động trí óc. Ngày nay, theo các nhà chuyên môn, tỉ lệ mắc rối loạn tuần hoàn não càng ngày càng trẻ hóa, nhưng NCT vẫn là đối tượng chiếm tỉ lệ cao hơn cả, vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh thiếu máu não rất cao, trong đó, có khoảng 2/3 NCT bị mắc chứng bệnh này.
Nguyên nhân
Mọi nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây rối loạn tuần hoàn não. Có khoảng 80% số bệnh nhân thiếu máu não là do xơ vữa động mạch. Các bệnh huyết áp cao, mỡ máu cao, đái tháo đường, hoặc hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm cho lòng mạch máu bi hẹp nhất là động mạch thân nền cột sống cổ, động mạch não do mỡ máu cao kéo dài hoặc do thoái hoá cột sống cổ không được điều trị hoặc dùng các biện pháp ngăn chặn. Rối loạn tuần hoàn não có thể do bệnh tim (suy tim, hẹp van tim…) hoặc do bệnh huyết áp thấp hoặc trong một số trường hợp huyết áp cao cũng có thể gây rối loạn tuần hoàn não (do rối loạn vận mạch não làm cho máu lên não kém). Rối loạn tuần não não có thể gặp ở người lao động trí óc, căng thẳng, tập trung cao độ (nghiên cứu sinh, sinh viên, học sinh ôn tập trong các kỳ thi…). Ngoài ra, rối loạn tuần hoàn não có thể là do bẩm sinh, cơ địa hoặc người béo phì. Hầu hết người béo phì có lượng mỡ máu cao. Mỡ máu cao sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt huyết, lưu thông máu trong cơ thể (do làm xơ vữa động mạch). Hơn nữa, lượng mỡ dư thừa sẽ làm cản trở hệ tuần hoàn đưa máu lên não gây thiếu máu não. Ngoài ra, cuộc sống công nghiệp gấp gáp, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc làm việc thường xuyên với máy tính khiến con người lười vận động, hoặc do uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc nhiều là những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tuần hoàn não.
Biểu hiện
Thời gian đầu mới bị bệnh, các triệu chứng của thiếu máu não thường xuất hiện thoáng qua, lâu ngày, người bệnh có những biểu hiện: nhức đầu, cảm giác nặng đầu, đau vai gáy, đặc biệt chóng mặt có cảm giác lảo đảo thoáng qua hoặc xoay tròn thường gặp nhất.
Các triệu chứng này xảy ra đột ngột khi thay đổi tư thế như từ nằm chuyển sang ngồi hoặc đứng, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, ù tai. Người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, một số người có đau đầu gần như thường xuyên hoặc luôn cảm thấy bồn chồn, không hoàn toàn làm chủ được mình, dần dần thay đổi tính tình (trái tính, trái nết), hay mủi lòng, dễ tủi thân và đặc biệt là chóng quên (đãng trí). Các biểu hiện trên có thể thoáng qua hoặc có thể kéo dài nhiều giờ đến vài ngày, nếu do bệnh của huyết áp (huyết áp thấp hoặc huyết áp cao), xơ vữa động mạch, các triệu chứng có thể kéo dài nhiều ngày hơn. Thường ngày người bệnh hay bị đau mỏi vai gáy, đau cứng cổ do khí huyết ứ trệ, kém lưu thông, lượng máu đến vùng vai gáy, cổ suy giảm bởi hẹp động mạch thân nền, thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh thể hiện đôi khi âm ỉ, nhưng có lúc đau trội thành từng cơn, đau nhiều về ban đêm. Đau thường lan lên vùng chẩm và lan xuống vai, các cánh tay (đặc biệt đau và tê tay tăng lên dữ dội khi giơ tay lên đầu và sang cả bên đối diện), cơ cổ co, đau, cứng gây khó khăn khi cúi xuống, nghiêng, quay đầu tự nhiên, gặp lạnh càng đau. Các triệu chứng đau mỏi vai gáy, tê cứng cổ có thể gặp ở mọi lứa tuổi còn trẻ hoặc cán bộ văn phòng nhưng tỉ lệ chiếm cao hơn cả là người trung niên và cao tuổi.
Biến chứng
Do máu lên não kém cho nên mọi hoạt động của cơ thể đều suy giảm nhất là chóng quên, hay cáu gắt vô cớ, giảm ham muốn tình dục, luôn luôn có cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, tê bì chân tay, chuột rút, trong khi đó bệnh rất dễ tái phát. Rối loạn tuần hoàn não có thể diễn tiến lâu ngày và gây biến chứng nặng nề khiến bệnh nhân đột quỵ, nhũn não, nhồi máu não rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc điều trị
Do bệnh xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy, để điều trị có hiệu quả, người bệnh cần được khám bệnh, tốt nhất là khám ở cơ sở y tế đủ điều kiện để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng nhằm để bệnh chóng khỏi, tránh tái phát hoặc nếu tái phát sẽ nhẹ, thoáng qua, đặc biệt tránh biến chứng nguy hiểm.
Lời khuyên của thầy thuốcNCT nên khám bệnh định kỳ để được kiểm soát huyết áp, mỡ máu, thoái hóa cột sống cổ... Nên có chế độ ăn, uống hợp lý (không nên ăn mỡ, lòng, da động vật), không nên lạm dụng rượu, bia, nhất là người bị tăng huyết áp, đái tháo đường… Cần vận động cơ thể thường xuyên tùy theo điều kiện và sức khỏe của mình để khí huyết lưu thông như chơi cầu lông, bơi, đi bộ, đi lại trong nhà nếu sức yếu.
TTƯT.TS. BS. BÙI KHẮC HẬU